Wednesday 13 January 2016

Kitchen by Banana Yoshimoto


                                


Mình mua Kitchen khoảng đầu năm nay, trước hè, hơi phân vân, nhưng cũng chẳng muốn đọc bài cảm nhận nào trước đó vì bạn biết đấy, Kitchen rất mỏng, và mình có cảm giác là mình sẽ thích nó.


Kitchen không phải là một cuốn sách quá nhiều kịch tính, nhưng sẽ ám ảnh khá lâu. Cái suy nghĩ kì quặc đó cứ tự hình thành trong mình như một câu nói duy nhất mình sẽ dành riêng cho văn học Nhật. Một ngày không mây, trời chẳng nắng, hơi âm u, chọn một góc yên tĩnh, lắng lại tất cả những cảm xúc bất ổn thường ngày, và chỉ chuyên tâm nuốt lấy từng câu chữ được in ngay thẳng trên trang giấy. Không phải những cuốn sách có thể đọc vội, chỉ khi tâm bình ổn, bạn mới có thể cảm nhận sự sâu sắc của những tác giả người Nhật.


Ừm, không phải đại đa số, nhưng chí ít khi gắn lên Kitchen thì hẳn không sai.


Xoay quanh Kitchen là những cái chết, những cái chết rất đỗi thầm lặng. Không đi vào chi tiết, ngòi bút của tác giả lướt qua nhanh, ngược lại đi sâu hơn về những gì họ để lại, là nụ cười, là tình thương, là cảm xúc ấm áp người và người mang lại cho nhau. Nhưng không có nghĩa là nó không đau, vì có những đoạn rất ngắn, nhưng đủ khiến người ta xót lòng, khi nghĩ về Mikage, hay thậm chí, về chính bản thân mình.

“Mỗi lần bất chợt nghĩ ra, rằng gia đình tôi, một thứ đã tồn tại thật trên cõi đời này, cứ mất dần đi từng người, từng người theo năm tháng, và rốt cuộc chỉ còn lại mình tôi nơi đây, tôi bỗng thấy mọi thứ trước mắt đều giống như một lời nói dối.”


“Dù tôi có yêu đắm đuối đến đâu, dù tôi có uống bao nhiêu rượu và say sưa vui vẻ như thế nào, thì trong thâm tâm, tôi vẫn luôn bị ám ảnh về cái gia đình chỉ có duy nhất một người. "



Nhưng dẫu sao, như nhiều người đã nói, lối đi của Banana Yoshimoto không phải là bi lụy. Tuy xét về một chiều hướng khác, Kitchen chẳng mang lại mấy những vui tươi. Nhưng vì chính chúng ta, con người, đến với nhau bởi nỗi đau và nỗi đau, bởi mất mát và mất mát, chỉ có buồn khổ mới chạm đến hạnh phúc, như Mikage và Yuichi vậy. Có ai bảo, tình yêu giữa họ không thực, nhưng quan trọng không? Vì tình yêu đâu chỉ khởi nguồn từ cái gì đó bi tráng và cao cả, nó xuất phát từ bất kể thứ gì, kể cả nỗi đau và sự đơn côi.


(đoạn nỗi đau và nỗi đau, mất mát và mất mát chắc lụy “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương" quá rồi, mình không đọc lại, chỉ nhớ mang máng, như đoạn này thật sự rất ấn tượng)


Mình thích cách tác giả miêu tả về bếp, về sự kết nối giữa bếp và mọi người, về cách Mikage yêu bếp, cảm nhận tất cả mọi việc qua một khuôn bếp. Bởi bếp gợi nhớ đến một thứ lớn lao hơn, quan trọng hơn: Gia đình. Bếp không chỉ là một vật hữu hình xuất hiện trong câu chuyện, mà bởi vì nó là gia đình nên liên đới đến rất nhiều những tình tiết chạm lòng người về sau. Như món katsudon cả hai cùng thưởng thức dưới trăng, như sự quan tâm của mẹ Yuichi và Yuichi dành cho Mikage, kể cả khi chẳng cùng huyết thống, hay như những việc phi diệu nhất như… mơ cùng một giấc mơ chẳng hạn. Nghĩ đến gì chăng? Ừ, gia đình.



-o0o-


À, còn về Moonlight Shadow, mình không chắc lắm và cũng chẳng đủ can đảm để nhận xét rõ ràng. Lý do đầu tiên là bởi mình không đọc review trước, nên hơi bất ngờ khi có một câu chuyện nữa đằng sau Kitchen. Lý do thứ hai thì mình cũng hơi ái ngại, nhưng mình đọc truyện ngắn này không kĩ như Kitchen. Nhưng, không phải là một thứ gì vui vẻ chi cho cam. Mình tuy không đọc sâu bằng, nhưng cảm nhận nỗi đau còn hằn sâu hơn cả Kitchen. Có một cái gì đó kịch hơn xuất hiện trong Moonlight Shadow, dễ lấy nước mắt nhiều hơn nếu ví như làm thành anime. Dẫu sao cũng là một truyện ngắn đáng đọc, tuy xét qua xét lại, cũng về cái chết, nhưng thẳng hơn, rõ ràng hơn, chồng chất nhiều hơn. Nên khi vừa kết thúc Kitchen, nếu được chọn mình lại không hề muốn đọc Moonlight Shadow.


Chà, mình cũng không muốn lê thê quá, vì mình không hề đọc lại (bởi không có sách ở đây) khi viết bài này. Chỉ đột nhiên nghĩ đến và mở lên, rồi viết, vậy thôi. Nên chắc có sai sót, bởi cũng hơn nửa năm rồi, có lẽ trí nhớ sai lệch một chút chăng =))

Giá bán trên bìa của Kitchen là 56.000đ. Xuất bản bởi Nhã Nam và Nhà xuất bản hội nhà văn.



Credit ảnh: Sưu tầm (Mình nhờ bạn kiếm giúp nên cũng không rõ lắm, bìa sách mình nghĩ hẳn là từ Nhã Nam, hình căn bếp mình thật sự không rõ lắm).

No comments:

Post a Comment